Từ 17h ngày 15/9 đến 16/9, các trường đại học trên cả nước đã hoàn tất công bố điểm chuẩn năm 2021.
Đề thi tốt nghiệp THPT QG được đánh giá đã giảm nội dung khó để phù hợp với bối cảnh Covid-19 và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Nhưng dù đã được dự đoán từ trước rằng điểm chuẩn năm 2021 sẽ tăng, nhiều ngành học tại các trường đại học vẫn gây bất ngờ khi điểm chuẩn tăng tới 8-10 điểm.
Tại Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, đầu vào ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tăng 8 điểm so với năm ngoái (từ 15 lên 23); Kinh tế xây dựng tăng 9,2 điểm (từ 13,2 lên 24,2).
Tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, điểm chuẩn ngành Quản trị du lịch và lữ hành tăng tới 10,95 điểm, Công nghệ thông tin tăng 10 điểm so với năm ngoái. Nhiều ngành khác cũng tăng 9-10 điểm như Tài chính - Ngân hàng (tăng 10,05), Kinh doanh quốc tế (9,9), Thiết kế đồ họa (9,1).
Nhiều thí sinh 2K3 khá bất ngờ khi các trường đại học công bố điểm chuẩn tăng cao so với năm ngoái.
Xét theo mức điểm cao nhất, năm 2021 cũng có nhiều ngành lấy mức điểm cao “chót vót”, nhiều hơn kì thi năm 2020 - năm thi cũng từng gây bất ngờ vì điểm chuẩn cũng tăng đột biến.
Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy tới 30,5 điểm ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao, tức mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển thí sinh phải đạt 10 và có điểm ưu tiên. Năm ngoái, ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của trường lấy 29,25 điểm.
Khối trường công an cũng gây bất ngờ khi ngành Xây dựng lực lượng công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân (Hà Nội) lấy tới 30,34 điểm với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), cao hơn năm ngoái 3 điểm. Ngành Nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh nhân dân lấy gần mức tuyệt đối 29,99, tăng hơn năm ngoái gần 2 điểm. Tuy nhiên, cách tính điểm vào khối công an hơi khác do kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT, quy về thang điểm 30.
Ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm thứ hai liên tiếp lấy điểm tuyệt đối 30. Thí sinh phải đạt 3 điểm 10, hoặc được 27,25 trở lên và cộng điểm ưu tiên mới trúng tuyển.
Trong các ngành kỹ thuật, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin tiếp tục có đầu vào cao. Để giành suất vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải đạt 28,43; vào ngành tương tự của Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. HCM) phải đạt 28 điểm.
Khối kinh tế điểm chuẩn tăng mạnh. Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội và TP. HCM lấy không dưới 28, cao nhất là ngành Kinh tế (Quản trị kinh doanh) 28,55. Đại học Kinh tế quốc dân lấy từ 26,85 trở lên. Để trúng tuyển trường top đầu này mà không có điểm cộng, thí sinh phải đạt trung bình 9 điểm mỗi môn.
Nếu xét ngành, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng dẫn đầu về điểm chuẩn, trung bình tăng 1-2 điểm so với năm ngoái như Đại học Kinh tế quốc dân lấy 28,3, Đại học Thương mại 27,4, Đại học Giao thông Vận tải 26,35... Ngành này tại Đại học Điện lực tăng tới 6,5 điểm, từ 17 của năm 2020 lên 23,5 năm nay.
Bày tỏ với giáo viên TOÁN. VN, nhiều em học sinh và phụ huynh hết sức bất ngờ vì điểm chuẩn tăng mạnh. Trên cả nước, phụ huynh và các thí sinh cũng chia sẻ sự bất ngờ như vậy. Nhiều em thí sinh rất vui mừng, sung sướng khi đỗ được nguyện vọng như ý muốn. Bên cạnh đó, một số em tiếc nuối khi không trúng tuyển nguyện vọng yêu thích của bản thân.
Sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh sẽ có 10 ngày làm thủ tục nhập học. Hình thức nhập học tùy thuộc từng trường, trong đó nhiều trường đã công bố nhập học trực tuyến để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho thí sinh trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp.
Những em không trúng tuyển đợt 1 vẫn được tham gia các đợt xét tuyển bổ sung, dự kiến từ ngày 3/10.
Dưới đây là danh sách điểm chuẩn một số trường.
Các bạn ấn “Tải về” để tải xuống FULL điểm chuẩn 122 trường đại học.